Là sự kiện triển lãm và hội nghị quốc tế thường niên về điện gió trên bờ và ngoài khơi tại Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh điện gió Việt Nam (VOOWS) lần thứ 5 đã diễn ra trong hai ngày 7-8/7/2022 tại TP HCM. Đại diện CTCP Phong Điện Miền Trung (CWP), thành viên Halcom Việt Nam, đã tham dự và chia sẻ về hiện trạng và tương lai vận hành và bảo dưỡng điện gió trên bờ tại Việt Nam.

Hội nghị năm nay xoay quanh các chủ đề về triển vọng điện gió Việt Nam, thách thức và cơ hội, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà cung ứng hàng đầu, phát triển nguồn điện bền vững, cập nhật dự án và quy trình dự án, cập nhật những tiến bộ công nghệ mới nhất về tuabin gió nổi.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh điện gió Việt Nam lần thứ 5 (2022) tại TP HCM

Tham dự sự kiện có hơn 50 diễn giả và gần 300 đại biểu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có lãnh đạo cấp cao đến từ các công ty cung cấp công nghệ uy tín trong ngành tại Việt Nam, Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Ông Nguyễn Minh Nhất, Trưởng Bộ phận Kỹ thuật của CTCP Phong Điện Miền Trung (CWP), công ty thành viên thuộc Halcom Việt Nam, đã tham dự và trình bày về hiện trạng và và tương lai vận hành bảo dưỡng (O&M) nhà máy điện gió trên bờ tại Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 (Bình Định) sau 2 năm vận hành. Bài chia sẻ đã đón nhận sự quan tâm lớn từ nhiều nhà đầu tư và các đơn vị liên quan.

Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 tại Bình Định do Halcom Việt Nam làm chủ đầu tư có công suất 21 MW, vận hành vào đầu năm 2020 và đang được O&M bởi SGRE, Quản lý tài sản kỹ thuật (TAM) bởi Shizen Energy. Dự án vay vốn tín dụng xuất khẩu với Landesbank Baden-Württemberg (LBBW), ngân hàng lớn thứ 4 tại Đức.

Ông Nguyễn Minh Nhất, Trưởng Bộ phận Kỹ thuật CWP (công ty thành viên thuộc Halcom Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Nhất trình bày, trong các phương án O&M tại Việt Nam, phương án ưa chuộng nhất là ký hợp đồng O&M với nhà cung cấp thiết bị. Dựa trên những phân tích thấu đáo về thuận lợi và khó khăn xoay quanh vấn đề chi phí, nhân sự, quy định pháp luật, nguồn cung cấp thiết bị thay thế… của từng phương án, đại diện Halcom Việt Nam đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp thực tế nhằm giúp các nhà đầu tư và đội ngũ kỹ thuật vận hành hiệu quả nhà máy điện gió trên bờ tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến các kiến nghị cho chủ đầu tư như: đội ngũ kỹ thuật cùng tham gia O&M, xem xét kỹ lưỡng lịch sử lỗi của tuabin trước khi tự thực hiện O&M, khảo sát chủng loại tuabin để đảm bảo thiết bị thay thế luôn có sẵn, thuê bên thứ 3 để hỗ trợ quản lý tài sản và chất lượng dịch vụ O&M, chú trọng dịch vụ cảnh báo sớm và kiểm tra hiệu suất tuabin cũng như các giải pháp thúc đẩy nội địa hóa các bộ phận tuabin ở Việt Nam. Ông Nhất cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các hội nghị, diễn đàn công nghệ nhằm kết nối, trao đổi giữa các chủ đầu tư và đội ngũ kỹ thuật liên quan đến điện gió trong nước.

Bên cạnh các bài trình bày đến từ các diễn giả trong nước và quốc tế, hội nghị cũng diễn ra hai phiên thảo luận về nguồn vốn, cách thức cấp vốn cho dự án và danh sách, cập nhật về các dự án điện gió. Đại diện các tổ chức, công ty hàng đầu như Standard Chartered, SP Group, Gelex, Invesify, Saigon Asset Management… đã đưa ra quan điểm hữu ích, thiết thực về vai trò của Nhà nước trong việc cấp vốn cho dự án, vai trò của quỹ đầu tư tư nhân trong việc phát triển các dự án tái tạo, cách tiếp cận vốn vay địa phương, khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của nhà máy điện độc lập (IPP)…

Phiên thảo luận ngày 7/7 tại VOOWS 2022

Halcom Việt Nam là công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn phát triển hạ tầng bền vững. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Công ty đã đưa vào vận hành thương mại dự án nhà máy điện gió Phương Mai 3, điện mặt trời Hậu Giang và luôn tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư về năng lượng tái tạo trong tương lai.