Kết nối tài chính xanh với tín chỉ carbon để xanh hoá nền kinh tế

Sáng ngày 6/9/2023 tại TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Hội thảo diễn ra trước thềm Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” sẽ tổ chức vào ngày 13 – 17/9/2023. Tại hội thảo, các đại biểu, diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến, cùng các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung cho hành trình xanh của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam (thứ hai từ trái sang) tham dự và chủ trì hội thảo.

Tham dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu; Ủy viên Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huân; Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Tài chính Hoàng Thái Sơn; Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách – Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Đình Thọ; Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong; Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP Nguyễn Nhật.

Hội thảo cũng có sự tham gia của nhiều đại biểu từ cơ quan tham vấn chính sách, các tổ chức tài chính, hơn 150 doanh nghiệp nhiều ngành nghề và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, bước vào thế kỷ 21, trước những biến đổi cực đoan của biến đổi khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn đến môi trường. Theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á. Vì lẽ đó, tại Việt Nam, chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 nhiệm vụ gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. TPHCM là địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, với cơ hội và thách thức đan xen khi đã được Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bằng Nghị quyết 98.

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo.

TPHCM đi đầu trong chuyển đổi xanh, thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15

Phát biểu định hướng tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, đứng trước thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, TPHCM cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế TP, đóng góp cho kinh tế cả nước. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, sứ mệnh của TPHCM là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Thời gian qua, thành phố đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Từ đó, thành phố đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và sẽ chính thức công bố vào Diễn dàn kinh tế TPHCM năm 2023 trong tháng 9.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu định hướng tại hội thảo.

Ông Mãi cũng nhận định, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Việc này thời gian tới, TPHCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tín dụng xanh – công cụ giải quyết thách thức về môi trường

Tham dự trong vai trò chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Công ty CP Halcom Việt Nam, cho biết phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon sẽ là những ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, thuế carbon hoặc các quy định hình thành hệ thống mua bán khí thải sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển và khí hậu đầy tham vọng, đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ cùng nhiều quốc gia khác chung tay ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông cho biết hiện Ủy ban cũng đang xem xét về việc xây dựng Luật Biến đổi khí hậu, thậm chí có luật về năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Công ty CP Halcom Việt Nam

TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) khẳng định, tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới. Trong đó, tín dụng xanh cung cấp các công cụ nợ với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường, ví dụ cho vay xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững… Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của ngành.

TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) phát biểu tại hội thảo.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng để Việt Nam phát triển thị trường carbon bền vững, quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon định hướng theo phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cần phải có các công cụ và hạ tầng kỹ thuật rõ ràng, minh bạch trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính cho các lĩnh vực, cơ sở, doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam

Những khó khăn, thách thức trong quá trình xanh hoá nền kinh tế

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết net zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện tại, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam chưa có nhiều. Một số doanh nghiệp đã chia sẻ tại hội thảo về những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh nếu phát triển các công nghệ nhằm tối ưu việc giảm phát thải cũng như tối ưu về tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Nhận thức rõ sự cần thiết của các chương trình tín dụng xanh, đại diện cho khối doanh nghiệp TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA)

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cho biết, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank khẳng định, ngoài việc tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, HDBank sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ chính sách tài chính xanh cho doanh nghiệp và cá nhân bao gồm gói cho vay xanh và các dịch vụ liên quan. Ngân hàng cũng sẽ nghiên cứu để có các giải pháp hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon khi tín chỉ này trở thành một trong những loại hàng hóa đặc thù có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank

Kết thúc buổi hội thảo, nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP gửi lời cảm ơn sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM, đại diện các ủy ban của Quốc hội, bộ ngành, các chuyên gia và hơn 150 doanh nghiệp góp phần cho sự thành công của hội thảo. Với những ý kiến tâm huyết tại diễn đàn này, nhà báo Nguyễn Nhật bày tỏ hy vọng các nội dung liên quan sẽ tiếp tục được đặt ra ở nhiều diễn đàn, nghị trường. Từ đó, tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon sẽ sớm trở thành chính sách cụ thể để doanh nghiệp thực hiện và mang lại kết quả tốt đẹp.

Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP gửi lời cảm ơn đến các đại biểu dự hội thảo.

Thông tin báo chí:

Tạp chí Kinh tế

Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM

Báo Sài Gòn Giải phóng

Tạp chí điện tử VnEconomy