Lễ Công bố Báo cáo của World Bank về Khí hậu và Phát triển Quốc gia Việt Nam

Chiều 14/7/2022, tại Hà Nội, Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Lễ công bố báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR). Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, được mời tham dự với tư cách là diễn giả đại diện khối doanh nghiệp tư nhân trong phiên thảo luận tại buổi lễ.

Đây là một trong những báo cáo đầu tiên trong chuỗi báo cáo cấp quốc gia về khí hậu và phát triển do Nhóm Ngân hàng Thế giới soạn thảo. Báo cáo nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng đó là xây dựng khả năng chống chịu và giảm thiểu cường độ carbon. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Theo đó, việc bù đắp thiếu hụt kinh phí liên quan đến lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và giảm thiểu cường độ carbon sẽ đòi hỏi có sự phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại lễ công bố
Ông Muthukumara Mani, Chuyên gia Kinh tế trưởng về Môi trường, Trưởng nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chia sẻ về báo cáo

Cũng theo báo cáo, để hoàn thành mục tiêu thích ứng và giảm thiểu của Việt Nam, 5 gói chính sách ưu tiên cần Chính phủ chú ý bao gồm: chương trình cấp vùng có điều phối cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; kế hoạch tổng hợp bảo vệ các đô thị ven biển và kết nối giao thông khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt; chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí bao vây khu vực Hà Nội; tăng tốc quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo; mở rộng an sinh xã hội mới để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Đóng góp ý kiến tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Huân nhận định một trong những giải pháp đầu tiên để giúp khối tư nhân thực hiện mục tiêu thích ứng chống biến đổi khí hậu là cải thiện nhận thức. “Các doanh nghiệp muốn chung tay hành động cần phải có chung nhận thức, phải nhìn nhận rõ mặt tích cực của mục tiêu giảm phát thải ròng, cũng như mặt tiêu cực nếu doanh nghiệp còn ngần ngại xanh hóa, kể cả khi Việt Nam không nằm trong số 10 nước có phát thải ròng lớn nhất thế giới. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách dài hạn giúp doanh nghiệp tháo gỡ rào cản về công nghệ, khuyến khích phát triển xanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng cần được hướng dẫn về cách thức chuyển đổi công nghệ, tích cực học hỏi giao lưu với đối tác nước ngoài, có như vậy mới phát huy được hiệu quả đồng vốn do tổ chức quốc tế tài trợ.” – ông Huân nhận định.

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, tham dự và thảo luận tại Lễ công bố Báo cáo

Trả lời câu hỏi “Liệu năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể cạnh tranh được không nếu năng lượng than vẫn đóng vai trò chính trong cơ cấu năng lượng?”, ông Huân cho rằng bài toán ở đây không phải “cạnh tranh”, mà là “thay thế”. Và tất nhiên, chúng ta không thể chuyển đổi cơ cấu từ năng lượng này sang năng lượng khác trong một thời gian ngắn. Giải pháp nhập khẩu than hiện nay của Việt Nam không phải giải pháp tốt đối với an ninh năng lượng. Trong khi đó, giá thành và công suất của điện năng lượng tái tạo vẫn chưa ổn định và phải phụ thuộc vào phương án phát điện nền. Quan điểm của ông Huân là điện hạt nhân có tiềm năng thay thế điện than và thủy điện để phát điện nền, nhưng liệu đây có phải là hướng đi tốt cho Việt Nam hay không thì cần tham khảo ý kiến của chuyên gia và tổ chức quốc tế từ góc độ kỹ thuật và phát triển kinh tế.

Các khách mời tham gia phiên thảo luận tại buổi lễ công bố Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển quốc gia cho Việt Nam

Nguồn tin và hình ảnh:

Thông tin tham khảo: