Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 41 tạo đà để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Đồng thời, thôi thúc toàn xã hội có góc nhìn mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới.

– Nghị quyết 41-NQ/TW khẳng định cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được xác định là “một trong những lực lượng nòng cốt” trong tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Nghị quyết 41 ra đời là một sự kế thừa và phát triển liên tục lý luận của Đảng về thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đến Đại hội VII năm 1991, Đảng đã xác định trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội, Việt Nam cần phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.

Nghị quyết Trung ương 10 khoá XII khẳng định kinh tế tư nhân là một trong ba động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và doanh nhân là một trong 5 giai tầng của xã hội Việt Nam hiện nay, gồm công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và người lao động khác. Các giai tầng đều bình đẳng, được tạo mọi điều kiện và cần liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển.

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Đại hội XIII thông qua.

Tuy vậy, Nghị quyết 41 có một bước tiến mới so với tất cả các Nghị quyết và chủ trương trước đây. Nghị quyết 41 lần này đã nêu cả mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân phát triển với hai mốc quan trọng, đó là năm 2030 và 2045.

Nghị quyết 41 cho chúng ta thấy, Đảng khẳng định việc phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP sẽ không thể tách rời khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân.

Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, tỷ lệ nộp thuế thu nhập chiếm 34,1%, cao hơn mức 27,7% của các doanh nghiệp Nhà nước.

Khi Nghị quyết 41 đề cao vị thế của doanh nhân cũng đồng nghĩa với sự khẳng định nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững thì khu vực kinh tế tư nhân chính là dư địa tốt nhất để tạo đà cho việc thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra: đến 2030 nước ta sẽ là nước có thu nhập trung bình cao và đến 2045 sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Nghị quyết 41 sẽ tạo “cú hích” cho một loạt các hoạt động tiếp theo để thể chế hoá bằng các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn… cho từng ngành nghề phát triển.

Đặc biệt, Nghị quyết 41 đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là điều rất đáng khích lệ cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

– Ông có thể phân tích cụ thể hơn về 7 nhiệm vụ, giải pháp này?

Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, căn cứ vào chủ thể và đối tượng tác động, tôi tạm chia thành 5 nhóm giải pháp.

Nhóm thứ nhất chủ yếu tập trung nâng cao nhận thức cho giới doanh nhân. Trong phần mở đầu, Nghị quyết 41 đã khái quát chính xác về tình hình thực tiễn của giới doanh nhân hiện nay.

Đó là, mặc dù có hào khí, có lòng tự hào dân tộc nhưng vẫn còn một bộ phận doanh nhân nhận thức về phát triển kinh tế gắn với đất nước còn chưa thật sâu sắc. Chính điều này khiến cho giới doanh nhân không tận dụng được nguyên khí quốc gia tạo thành nội lực của mình để pháta triển cùng với sức mạnh của thời đại.

Đảng ta đã nghiên cứu và khái quát thành lý luận về phát triển trong thời kỳ mới, đó là phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nếu chỉ có sức mạnh dân tộc mà thiếu đi sức mạnh thời đại thì sức mạnh nội sinh không thể phát huy hiệu quả.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần hiểu rằng phát triển của mỗi doanh nghiệp mà không gắn với sự phát triển của đất nước để “vươn cùng thời đại” thì không thể phát triển bền vững.

Và chỉ khi nào doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhận thức được vấn đề này thì khi đó mới có thể vươn ra khu vực và thế giới. Tôi cho rằng, nhóm giải pháp thứ nhất rất đúng và trúng.

Nhóm giải pháp thứ hai tập trung vào tháo gỡ vướng mắc về thể chế và chính sách pháp luật. Đây là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương. Cần phải xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất để cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển.

Nhóm giải pháp thứ hai bên cạnh tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan quản lý để không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tôi nhận thấy, nhóm giải pháp này rất mạnh mẽ và cụ thể.

Nhóm giải pháp thứ ba thì gồm cả 3 nhiệm vụ, giải pháp số 3, số 4 và số 5 nêu trong Nghị quyết 41/TW là tập trung vào chính đối tượng doanh nhân, đó là tạo điều kiện để doanh nhân lựa chọn nghề nghiệp kinh doanh của mình.

Doanh nhân lựa chọn ngành nghề gì thì Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển ngành nghề đó.Bên cạnh nghề nghiệp, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp còn yêu cầu trách nhiệm xã hội đối với doanh nhân, doanh nghiệp.

Nếu doanh nhân, doanh nghiệp không có trách nhiệm xã hội thì có nghĩa không có nghĩa vụ với cộng đồng, với Nhà nước. Tức là, không gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích chung thì cũng sẽ bị hạn chế trong phát huy nguồn lực.

Như vậy, nếu doanh nhân, doanh nghiệp có được nhận thức tốt từ nhóm giải pháp thứ nhất thì sẽ thực hiện tốt ở nhóm giải pháp thứ ba này.

Ngoài ra, nhiệm vụ thứ năm trong nhóm giải pháp này là sự gắn kết, không để giới doanh nhân đơn độc mà được gắn kết trong khối đại đoàn kết dân tộc, gắn kết với nhau trong nội khối, gắn kết ngành, gắn kết giữa doanh nhân với doanh nhân, gắn kết giữa giới doanh nhân với tầng lớp trí thức, công nhân, nông dân, gắn kết doanh nhân Việt Nam với doanh nhân nước ngoài… cũng như các thành phần khác trong xã hội.

Nhóm giải pháp thứ tư chính là nhiệm vụ, giải pháp thứ 6 trowng Nghị quyết 41 nêu trách nhiệm của VCCI. VCCI là một tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ giới doanh nhân, doanh nghiệp, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với doanh nhân, doanh nghiệp.

Trong những năm qua VCCI đã có nhiều hoạt động rất tích cực trong công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; nhưng  Nghị quyết 41 lần này còn nêu rõ giao nhiệm vụ cho Đảng, đoàn VCCI chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước về sự hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là nhiệm vụ rất nặng nề đối với VCCI nhưng sẽ giúp VCCI quyết tâm hơn, tập trung hơn và cụ thể hơn trong việc mở rộng hỗ trợ, giúp đỡ tới tất cả cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về cả hoạt động kinh tế, cũng như giao lưu văn hóa, tăng cường nhận thức chính chị, tư tưởng và hợp tác quốc tế. VCCI phải có những giải pháp cụ thể để triển khai Nghị quyết này.

Từ yêu cầu trách nhiệm lớn hơn với VCCI tại Nghị quyết 41, tôi tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và tạo ra bước chuyển lớn hơn.

Nhóm giải pháp thứ năm (nhiệm vụ, giải pháp thứ 7 trong Nghị quyết) là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, khẳng định chủ trương“ở đâu có dân thì ở đó có Đảng”, ở đâu có tổ chức doanh nghiệp thì ở đó phải có cơ sở Đảng hoạt động để hỗ trợ trực tiếp và mạnh mẽ hơn cho tầng lớp doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

– Ông có đề xuất, kiến nghị gì để Nghị quyết 41 sớm đi vào các hoạt động của đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam?

Thứ nhất, cần rà soát và sửa đổi một số luật còn chồng chéo, đan xen như Luật đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Đất đai… khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu và triển khai dự án vì vướng luật.

Thứ hai, nâng cao nhận thức đối với các tổ chức Đảng, đoàn, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội… từ trung ương đến địa phương phải có kế hoạch hành động và truyền thông trong phạm vi hành chính, hội nghề nghiệp của mình.

Thứ ba, phải luật hoá, thể chế hoá đến từng cơ quan chịu trách nhiệm. Đồng thời cần có cơ quan giám sát các cơ quan thực thi nhiệm vụ để luật sớm đi vào cuộc sống.

Thứ tư, nên chọn điểm một số địa phương để triển khai Nghị quyết 41. Ví dụ, TP. HCM đang triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, trong đó có một số nội dung về kinh tế xanh, có thể lồng ghép nội dung Nghị quyết 41/TW này vào một số văn bản, nghị quyết hay kế hoạch phát triển của Thành phố.

Tương tự như vậy, Hà Nội đang hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể lồng ghép các nội dung phát triển doanh nhân nêu trong Nghị quyết 41 để thể chế hóa ngay chủ trương này, gắn với phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp