Khi an ninh nguồn nước không được quan tâm đúng mức sẽ tác động tới nhiều vấn đề. Chúng ta sẽ không thể phát triển bền vững nếu an ninh nguồn nước không thể đảm bảo. Do đó, chúng ta cần phải chấn chỉnh, không sử dụng nước một cách lãng phí như hiện nay. Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, người vừa trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV đã nhấn mạnh điều này khi đề cập đến vấn đề an ninh nguồn nước.
– Ông đánh giá như thế nào về thực trạng quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam hiện nay, thưa ông?
– Hiện nay các vấn đề về nước đều trở nên rất cấp bách. Việt Nam đang đối diện với nguy cơ cao về việc ô nhiễm nguồn nước. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), khoảng 20-30 năm nữa thế hệ trẻ Việt Nam sẽ không có nước sạch để dùng, điều này là cực kỳ nguy hiểm.
Chúng ta luôn cho rằng Việt Nam có nguồn nước dồi dào, chẳng hạn như sông Mê Kông, tổng lượng dòng chảy có thể đến 500 tỷ m3 bằng lượng nước của cả Philippines và Australia cộng lại. Tuy nhiên, chúng ta lại quên mất rằng có tới 70% nguồn nước bắt nguồn từ nước ngoài và không chủ động được nguồn nước đó.
Ngoài ra, khi Việt Nam phát triển kinh tế với tốc độ cao như những năm vừa rồi thì các hệ lụy cũng đi kèm theo. Như các vấn đề môi trường, xả thải tại các khu công nghiệp; nước thải sinh hoạt hiện nay không được thu gom cẩn thận, không được xử lý thích hợp. Với hơn 3 tỷ m3 nước thải mỗi năm đang đổ ra sông, biển mà chỉ có 10-12% lượng nước thải trong đó được xử lý đúng cách dẫn tới nguy cơ ô nhiễm nước dẫn tới ô nhiễm đất, ô nhiễm sông, hồ càng ngày càng cao. Chưa kể là hiện nay chúng ta sử dụng đến 82% lượng nước phục vụ cho nông nghiệp, 11% cho nuôi trồng thủy, hải sản, chỉ khoảng 3% nước dùng sinh hoạt, mà việc quản lý nước nông nghiệp lại chưa tốt. Các hệ thống tưới tiêu, các hồ thủy lợi không được bảo trì, bảo hành thì việc hạn chế lũ lụt trong mùa mưa hay cứu hạn trong mùa khô sẽ khó đáp ứng được.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu dùng nước lãng phí như hiện nay và không bảo vệ nguồn nước thì tới năm 2030 hoặc năm 2035 nước ta sẽ tổn thất 6% GDP/năm để giải quyết việc nước bị ô nhiễm và không đủ nước cho phát triển kinh tế, kể cả nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản và công nghiệp.
Đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi nhưng người dân lại đang sử dụng nước một cách khá tràn lan, lãng phí. Những năm gần đây, chúng ta thấy hiện tượng lũ lụt, hạn hán xảy ra với tần suất nhiều hơn. Khi tần suất thiên tai tăng lên thì bắt đầu mới nhìn thấy nguy hại của việc dùng nước không hiệu quả.
Khi an ninh nguồn nước không được quan tâm đúng mức thì sẽ tác động tới rất nhiều vấn đề. Chúng ta sẽ không thể phát triển bền vững nếu an ninh nguồn nước không thể đảm bảo. Theo tôi, bây giờ là thời điểm chúng ta cần phải chấn chỉnh, không sử dụng nước một cách lãng phí như hiện nay. Nếu vẫn sử dụng nước theo thói quen hiện nay thì tôi thấy đây là điều bất cập và sẽ không đảm bảo an ninh nguồn nước. Tôi nghĩ đã đến lúc cả hệ thống chính trị và người dân phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc. Chúng ta phải xử lý ngay từ bây giờ, nếu không thì sẽ quá trễ.
– Dưới góc nhìn chuyên gia về lĩnh vực tài nguyên nước, ông thấy có những bất cập gì trong công tác quản lý nhà nước tại lĩnh lực này ?
– Riêng về lĩnh vực cấp nước, hiện nay có Bộ Xây dựng quản lý nước đô thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nước nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nguồn nước. Tôi cho rằng, các bộ, ngành nhiều khi chính sách chưa có sự thống nhất với nhau dẫn tới gây khó khăn cho việc quản lý.
Về ô nhiễm nguồn nước, theo tôi muốn xử lý thì phải giải quyết được vấn đề về nước thải. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thu phí xử lý nước thải chỉ có 10% trên giá bán của một khối nước sạch. Thông thường tại một số quốc gia, nếu mất 1 đồng cho cấp nước thì phải mất ít nhất là 2 đồng cho xử lý nước thải. Như vậy người tiêu thụ sẽ phải trả 3 đồng cho một khối nước sạch. Nhưng chúng ta hiện chỉ thu 10% giá bán nước, số tiền này khi thu về thì địa phương sẽ thu tới 70% để nộp vào ngân sách, còn 30% để cho tỉnh, cho doanh nghiệp xử lý nước vận hành. Số tiền như thế quá ít ỏi, không đủ để vận hành hệ thống thoát nước chứ chưa nói tới hệ thống nước thải.
Ngoài ra về mặt quản lý, một số trường hợp chính sách chúng ta đã có nhưng khi thực hiện tại các cấp độ địa phương lại khác nhau. Mỗi địa phương thử nghiệm một kiểu. Hiện nay, chúng ta có cơ chế gọi là thu phí sử dụng nước để bảo vệ nguồn nước nhưng không đáng kể và nguồn phí này địa phương sẽ được sử dụng bao nhiêu để bảo vệ chính lưu vực cấp nước, nguồn nước thì lại không rõ ràng.
Các chính sách của chúng ta trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước còn nhiều kẽ hở. Vì vậy, tôi cho rằng Quốc hội cần nghiên cứu và cùng chung tay với các cơ quan hữu quan của Chính phủ xem xét để đưa ra một giải pháp hợp lý nhất. Chúng ta không thể tăng giá nước một cách vội vã bởi sẽ ảnh hưởng tới xã hội. Nhưng nếu chúng ta không có lộ trình, sẽ khó có thể phát triển bền vững, ngành nước khó có thể trụ vững trong tương lai.
– Bảo đảm an ninh nguồn nước đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và triển khai đồng bộ rất nhiều chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài… Vậy theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì bảo đảm an ninh nguồn nước trong thời gian tới, để lĩnh vực này được ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam?
– Để bảo đảm an ninh nguồn nước, chúng ta phải cân bằng cơ hội, thách thức để mang đến hiệu quả tích cực nhất cho ba vấn đề liên quan đến nước, đó là xã hội, kinh tế và môi trường. Đầu tiên là nguồn nước, tài nguyên nước phải được quản lý một cách hiệu quả. Thứ hai, chúng ta phải giảm thiểu các nguy cơ như: ô nhiễm, mất nguồn nước, cung cấp lượng nước không ổn định… Thứ ba, chúng ta phải có chế tài xử lý để đảm bảo hiệu quả và công bằng cho mọi đối tượng. Khi chúng ta làm tốt được các điều trên thì chúng ta sẽ giữ được an ninh nguồn nước.
Đồng thời, về an ninh nguồn nước chúng ta cần quan tâm tới ba kết quả đầu ra. Một là, nguồn nước ổn định. Hai là, tránh ô nhiễm. Ba là, đảm bảo sử dụng một cách công bằng, hiệu quả.
Chúng ta phải có chính sách thu phí, để bất kể những ai dùng nước thì đều phải trả phí đấy, kể cả thủy lợi, nông nghiệp hay nước sinh hoạt. Mức phí bao nhiêu thì do cơ quan hữu quan tính toán. Nhưng khi đã thu phí như vậy thì sẽ có nguồn kinh phí để bảo vệ nguồn nước.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm, tôi cho rằng chúng ta phải tập trung xử lý các nguồn gây ô nhiễm, đặc biệt là rác thải, nước thải. Muốn làm được điều này thì chúng ta cũng cần phải có kinh phí và nguồn kinh phí này sẽ phải thu từ những nguồn gây ô nhiễm như làng nghề, doanh nghiệp hay các cơ sở thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn v.v…
Hiện nay, nước ta đã thoát nghèo, không còn được vay vốn ODA ưu đãi nữa. Ngân sách nhà nước thì không thể đáp ứng nhu cầu cực kỳ lớn để tài trợ toàn bộ cho các hệ thống thoát nước và nước thải ở tất cả các địa phương. Vì vậy, chúng ta cần có chính sách phù hợp để lôi kéo sự tham gia của khối tư nhân. Đồng thời, các tỉnh, thành phố phải tích cực, chủ động đồng hành với các doanh nghiệp để tìm biện pháp tháo gỡ chứ không thể trông chờ vào Trung ương như trước.
Về vấn đề sử dụng hiệu quả, chúng ta phải nghiên cứu phương án sử dụng hiệu quả nguồn nước mà người dân hiện đang dùng, để mọi người dân có quyền tiếp cận nước sạch. Về hệ thống thoát nước và hệ thống nước thải phải tính toán làm sao để duy trì bền vững. Tránh tình trạng như hiện nay, chúng ta xả thải mọi thứ ra các con sông, kể cả nước thải, rác thải và phân hóa học hay thuốc trừ sâu. Như tại TP Hà Nội, chúng ta nhìn sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy ô nhiễm khủng khiếp vì đang tiếp nhận lượng nước thải hàng ngày vô cùng lớn mà không được xử lý đúng cách.
Đặc biệt chúng ta phải nghiên cứu về các đặc thù địa lý, khí hậu của từng vùng. Tại Việt Nam có một đặc thù, đó là nước quá nhiều vào mùa mưa, quá ít vào mùa khô và nhiều nơi quá bẩn vì ô nhiễm. Nếu ba điều này đều “vượt quá” thì chúng ta không thể nào đảm bảo được an ninh nguồn nước. Thời điểm chúng ta có nhiều nước thì cần phải có giải pháp nghiên cứu để tiêu thoát lũ, vì cứ mỗi một năm chúng ta chịu thiệt hại do lũ lụt khoảng 1-1,5% GDP. Nếu như năm nào nước ta cũng phải xử lý thiệt hại do lũ gây ra thì tại sao không đầu tư một khoản kinh phí tương đương mức phí bị thiệt hại để xử lý lũ, người dân sẽ được an toàn, mùa màng không bị phá hủy thì tôi thấy điều đó đã là thắng lợi. Chưa kể nếu đầu tư tốt, chúng ta có thể chỉ dùng lượng đầu tư tương đương mức thiệt hại 1-2 năm do lũ để đổi lại sự an toàn cho người dân và lợi ích kinh tế trong cả vòng đời dự án 20-30 năm. Các nhà khoa học, kinh tế và xã hội cần tính kỹ vấn đề này, lợi ích mang lại chắc chắn không phải là nhỏ.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân