Tiếp nối thành công của chuỗi hội nghị thượng đỉnh và triển lãm thường niên về chuyển dịch năng lượng hàng đầu ở Châu Á, Future Energy Asia 2022 do Bộ Năng lượng Thái Lan chủ trì, đã diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) vào ngày 20-22/7/2022. Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, cũng tham gia chia sẻ góc nhìn về “Dự thảo Quy hoạch điện VIII và tương lai của ngành năng lượng Việt Nam” trong tọa đàm tiêu điểm ngày 20/7.
Lễ khai mạc Future Energy Asia 2022 tại Bangkok, Thái Lan

Future Energy Asia (FEA) 2022 quy tụ hơn 200 diễn giả hàng đầu, gồm các Bộ trưởng Năng lượng, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia lĩnh vực năng lượng, các cơ quan quản lý sản xuất điện, các công ty khí trung nguồn và LNG, EPC và các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo. FEA giúp kết nối các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân từ hơn 50 quốc gia khu vực và toàn cầu để mang lại những góc nhìn thị trường, chiến lược và ưu tiên mới và sâu sắc nhất, khi công cuộc chuyển dịch năng lượng đang tăng tốc ở châu Á.

Tạo đàm ngày 20/7 với chủ đề “Dự thảo Quy hoạch điện VIII và tương lai của ngành năng lượng Việt Nam” đã đón nhận sự tham gia nhiệt tình của các đại diện từ GIZ, PECC2, DNV, Bộ Công thương và Halcom Việt Nam. Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong mảng năng lượng sạch, và thu hút sự chú ý quốc tế với những khoản đầu tư đáng khen ngợi vào các dự án năng lượng tái tạo. Dự thảo mới nhất Quy hoạch Điện 8 (PDP 8) đã và đang cho thấy quyết tâm của Việt Nam giữ vững vị trí tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và giảm thải carbon. Trong số 68GW nguồn năng lượng dự tính sẽ được phát triển, 41GW sẽ là điện khí, điện mặt trời và điện gió. Năm diễn giả đóng góp ý kiến thiết thực về lộ trình phát triển lưới điện thông minh linh hoạt; tăng tốc phát triển điện khí; nắm bắt sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời đến năm 2025; thúc đẩy tăng trưởng phát triển điện gió tiềm năng của Việt Nam; và cơ hội hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lưới điện.

Các diễn giả tham gia tọa đàm tiêu điểm ngày 20/7/2022

Với tư cách là Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại diện cho doanh nghiệp khối tư nhân, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng chừng nào Quy hoạch điện VIII còn chưa được thông qua, thì chừng đó các chính sách quy hoạch không gian biển, chính sách giá điện, hợp đồng mua bán điện còn gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức trước mắt như cắt giảm lưới điện, chi phí đầu tư và vận hành còn cao do các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị nhập khẩu và nhà cung cấp từ nước ngoài; từ đó đặt ra nhu cầu về lưới điện thông minh và nội địa hóa vật tư thiết bị. Một trong những giải pháp năng lượng tái tạo tối ưu là phát triển điện gió ngoài khơi nhờ tận dụng lợi thế từ đường bờ biển dài, tuy nhiên chính sách quy hoạch không gian biển cho điện gió ngoài khơi còn phụ thuộc vào Quy hoạch tổng thể quốc gia năm 2021-2030. Ông cũng đặt vấn đề rằng, trong quá trình chuyển dịch năng lượng tương lai, liệu có giải pháp nào để đảm bảo hệ thống nguồn điện ổn định trong trường hợp điện than bị loại bỏ hoàn toàn, công suất thủy điện không đáp ứng đủ, trong khi công suất điện tái tạo lại không ổn định.

Tổng kết tại phiên thảo luận, ông Bernoit Nguyễn, Trưởng bộ phận NLTT châu Á-Thái Bình Dương đồng ý rằng chuyển đổi cơ cấu năng lượng sớm chính là tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng gợi ý một số chiến lược giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu giảm thiểu cường độ carbon nhằm hiện thực hóa cam kết Net Zero 2022 bao gồm: (i) chính sách minh bạch và có nhà nước hỗ trợ; (ii) cơ chế rõ ràng để khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo như đấu giá; (iii) đầu tư vào công nghệ lưới điện, pin lưu trữ, phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện và phi tập trung hóa; (iv) kết hợp với điện khí giúp cân bằng lưới điện; (v) dự báo chính xác hơn về công suất năng lượng tái tạo.

Thông tin tham khảo: Future Energy Asia