Trong chương trình “Theo dòng thời sự” phát sóng trực tiếp trên VOV1 (Kênh Thời sự – Đài Tiếng nói Việt Nam), ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn từ doanh nhân và doanh nghiệp, về sự chủ động, sáng tạo thực hiện mục tiêu “kép”: quán triệt tổ chức chặt chẽ và hiệu quả công tác phòng chống dịch ở tất cả các khu vực xã hội, đồng thời tiếp tục khôi phục và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường – đặt trong bối cảnh mới của năm 2021 có đầy đủ cả cơ hội – điều kiện thuận lợi cũng như thách thức và áp lực.
Chủ tịch Nguyễn Quang Huân và biên tập viên VOV1
Chủ tịch Nguyễn Quang Huân và biên tập viên VOV1

 Vui lòng nghe phỏng vấn phát sóng trực tiếp trên VOV1 tại đây.

VOV1: Năm Canh Tý 2020 với nhiều biến động đã trôi qua, cũng là một năm thử thách với cộng đồng doanh nhân – doanh nghiệp Việt. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này khi bản thân là doanh nhân; đồng thời là đại diện cho tổ chức Hội – quy tụ những doanh nhân tư nhân cả nước?

Ông Huân: Đại dịch đã gây nên những thiệt hại đáng kể cho kinh tế thế giới cũng như tại Việt Nam, cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm vừa qua có đến gần 102.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lại nhiều hơn, hơn 130 nghìn doanh nghiệp. Chất lượng doanh nghiệp cũng cao hơn, số vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp tăng 32,3%, đó là dấu hiệu đáng mừng, đặc biệt có nhiều loại hình doanh nghiệp kinh doanh mới như kinh doanh trực tuyến, ứng dụng công nghệ cao, start-up ở thế hệ 8x, 9x nhiều. Nhìn chung, bức tranh toàn cảnh có màu xám và hồng, nhưng màu hồng vẫn nổi trội hơn. Nước ta là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng dương.

VOV1: Sau những gì toàn nền kinh tế đã trải qua, khi được hỏi về “Những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế giai đoạn tới’, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhận định: “Chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ và những yêu cầu vừa thể hiện tính cấp bách – thực tiễn cũng như mục tiêu chiến lược và dài hạn của đất nước. Đầu tiên, công tác phòng chống dịch phải được quán triệt tổ chức chặt chẽ và hiệu quả ở tất cả các khu vực xã hội. Đó là nguyên tắc sống còn. Thứ hai, tiếp tục khôi phục và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường – phải được đặt trong bối cảnh mới của năm 2021 có đầy đủ cả cơ hội-điều kiện thuận lợi cũng như thách thức và áp lực.” Ở góc độ doanh nhân-doanh nghiệp, ông nhìn nhận như thế nào về “bối cảnh mới – với những điều kiện thuận lợi, cùng thách thức” mà Trưởng Ban kinh tế Trung ương vừa nêu?

Ông Huân: Việt Nam vốn có lịch sử bề dày chịu đựng gian khó, vượt qua khó khăn để đạt được thành tích. Mỗi lần khó khăn là dịp toàn dân đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn để đạt mục tiêu chung. Đây là chỉ đạo kịp thời của Đảng & Chính phủ đã nắm bắt, vượt qua khó khăn, tích lũy kinh nghiệm, không đóng băng nền kinh tế, cũng không hoàn toàn mở cửa như nhiều nước khác, sẽ rất tốt nếu chúng ta tiếp tục duy trì như vậy, tiếp tục có đà tăng trưởng dương.

VOV1: Và 2 chữ “áp lực” nên được nhìn nhận như thế nào – đặc biệt với khối doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

Ông Huân: Áp lực của doanh nghiệp rất nhiều, làm sao để kiên định với chiến lược dài hạn của mình, làm sao ứng phó kịp thời trước mắt, nhưng không quên nhiệm vụ, tầm nhìn dài hạn. Khi dịch bệnh xảy ra thì điều kiện kinh doanh thay đổi (bạn hàng, nguồn vốn, cơ cấu sản phẩm thay đổi…), làm sao duy trì đà tăng trưởng của doanh nghiệp, đặc biệt trụ vững lúc khó khăn, giữ nhân viên và vẫn thu hút người tài. Tôi tin với những doanh nghiệp còn trụ lại, cơ cấu lại để mạnh hơn, đội ngũ doanh nhân cùng với cộng sự tại các doanh nghiệp đã tìm cách vượt qua, và sau 1 năm đã có kế hoạch bài bản hơn trước.

VOV1: Một trong năm cân đối lớn của nền kinh tế được Thủ tướng chỉ rõ có “cân đối những ưu tiên ngắn hạn với mục tiêu dài hạn”. Vậy theo ông, thực tế giới doanh nhân, doanh nghiệp nhận diện đc điều này từ lâu hay vẫn là câu chuyện sau 1 năm biến động?

Ông Huân: Bản thân mỗi doanh nghiệp, tôi nghĩ, đều có chiến lược dài hạn, trong đó có ngắn & trung hạn, rồi có kế hoạch từng năm. Kế hoạch năm cần linh hoạt thay đổi. Ví dụ Covid-19 xảy ra, chuỗi cung ứng khác đi thì kế hoạch ngắn hạn, từng năm phải điều chỉnh ngay lập tức. Cái ngắn hạn giúp chúng ta trụ vững trên mặt đất.

VOV1: Mọi thông tin chỉ đạo cho thấy Chính phủ luôn bao quát tình hình và tìm kiếm các giải pháp tốt hỗ trợ toàn nền kinh tế, vấn đề còn lại ở sự nhạy bén của từng doanh nhân – doanh nghiệp và nỗ lực thống nhất ý chí – hành động từ các cơ quan chức năng. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Ông Huân: Doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả nếu không có chỉ đạo vĩ mô từ Chính phủ. Đảng và Chính phủ chúng ta đưa ra những quyết sách kịp thời từ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động hay chính sách thuế, lãi suất… đó là động lực, tháo gỡ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ từng nhóm ngành nghề, không thể hỗ trợ từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cuộc sống để nhìn thấy thời cơ trong bối cảnh mới. Với bộ ban ngành, việc Chính phủ đưa ra chính sách thì sau đó cần thực hiện như thế nào. Cơ chế chính sách từ trung ương đến địa phương triển khai cụ thể ra sao cho kịp thời, đồng bộ, và phải rất quyết tâm. Đối với doanh nghiệp, các chính sách không thể phủ hết hoạt động kinh doanh, trên bình diện quốc gia cũng vậy, luật, nghị định không thể phủ hết mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, vì vậy có những lúc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của tập thể lãnh đạo, của các địa phương. Nếu không mạnh dạn, không vì tâm sáng, không đặt lợi ích quốc gia lên trên thì những quyết sách của Đảng và Chính phủ khi đi vào thực tế sẽ gây nên độ trễ nhất định, như vậy sẽ thật đáng tiếc.

VOV1: Chiều 18/2, Thủ tướng đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về đề án đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, trong đó, nhấn mạnh đến đổi mới quản lý Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, phải thúc đẩy được vai trò đi đầu đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân. Có giải pháp nào theo ông cần đặt trọng tâm trong giai đoạn tới để đạt mục tiêu trên?

Ông Huân: Đây là tin rất đáng phấn khởi với giới doanh nhân, kinh tế tư nhân đứng trước cơ hội rất lớn để thực sự trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, chặng đường đi vẫn còn rất dài, và để khối tư nhân hoàn thành được nhiệm vụ như đúng kỳ vọng của Nghị quyết Đại hội XIII vừa nêu là đến năm 2045, VN trở thành nước công nghiệp phát triển, và đến 2030, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng hơn 60%, trong khi hiện nay chỉ chiếm 42-43% – đây là đòi hỏi rất lớn đối với khối kinh tế tư nhân. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều cơ chế chính sách tốt, nhưng việc triển khai, giám sát đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ các bộ ban ngành cần được chú trọng. Kinh tế tư nhân chỉ phát triển khi môi trường thực sự lành mạnh, trong sạch. Khi đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp, thì mỗi doanh nghiệp, như một tế bào, sẽ phát triển một cách lành mạnh, khi đó toàn cơ thể – toàn nền kinh tế chắc chắn sẽ cường thịnh.

VOV1: Ông nhìn nhận ra sao về việc nêu cao cải thiện môi trường cạnh tranh quốc gia?

Ông Huân: Để làm được điều này, không chỉ là quyết tâm của riêng Đảng, Chính Phủ mà phải là quyết tâm của toàn xã hội, và chúng ta cũng không thể dục tốc bất đạt, không thể vội vàng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế – xã hội. Chính sách Chính Phủ đưa ra tốt nhưng còn cần toàn dân phải chung tay thực hiện. Để phát triển lành mạnh, chúng ta phải phát triển bền vững. Mà để phát triển bền vững, chúng ta không chỉ phát triển kinh tế, mà phải phát triển cả môi trường, xã hội. Nếu các doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành đều nhận thức rõ, chúng ta cùng nhìn về 1 hướng, cùng quyết tâm hành động, và khi đảm bảo lành mạnh xã hội nghĩa là các doanh nghiệp sẽ kinh doanh trong môi trường bình đẳng, liêm chính, thì họ sẽ tự do phát triển, sáng tạo, và các cơ quan Nhà nước cũng không phải vừa làm vừa nghe ngóng, vì khi đó mọi thứ đều minh bạch.

VOV1: Sự chủ động, sáng tạo của giới doanh nhân, doanh nghiệp nên được tăng cường như thế nào khi mà ngay từ Đại hội Đảng vừa rồi cũng khẳng định phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới?

Ông Huân: Điều này hoàn toàn phù hợp với thời đại công nghệ 4.0. Nếu không đổi mới mà chỉ nhìn nước khác làm gì, chúng ta làm đúng như vậy, thì không thể chạy tắt đón đầu mà mãi mãi đi theo người ta. Muốn trở thành nước công nghiệp hiện đại, chúng ta cần đi trước người khác với tốc độ rất nhanh, mà muốn đi với tốc độ nhanh thì chỉ có áp dụng công nghệ mới, mình phải làm những gì mà thế giới chưa làm.