Sớm hoàn thiện thẩm định Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch điện VIII sửa đổi là đột phá, giúp Việt Nam phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng hiệu quả, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch. Ảnh: Cấn Dũng

Tại buổi họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ngày 12.2.2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo.

Để thực hiện các mục tiêu này, tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, cần phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.

3 mục tiêu chính của Quy hoạch điện VIII được xác định rõ ràng: Đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Hiện Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu điện với Singapore và Malaysia, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường năng lượng sạch trong khu vực.

Song song với việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã hoàn tất việc sửa đổi Luật Điện lực – một bước ngoặt quan trọng sau 20 năm thi hành. Lần sửa đổi này giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển các nguồn năng lượng mới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Luật Điện lực sửa đổi đã được thảo luận, thông qua trong một kỳ họp Quốc hội, với thời gian chuẩn bị chỉ 8 – 9 tháng, thay vì 22 tháng như quy trình thông thường.

Để triển khai Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới. Những văn bản này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng, việc hoàn thiện và thực hiện Quy hoạch điện VIII sửa đổi sẽ là bước đột phá quan trọng, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng hiệu quả, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, việc điều chỉnh dự báo nhu cầu điện là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Tuấn, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra hai kịch bản: Tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao, sát với các kịch bản phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc. Với giai đoạn 2031 – 2035, việc giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện là hợp lý, phù hợp với xu thế chuyển dịch sang kinh tế dịch vụ và giảm bớt các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc – Nam và hệ thống Metro.

Nguồn: Báo Lao Động