Đây là nội dung được bàn luận tại Hội thảo quốc tế “Chiến lược hợp tác nhằm thúc đẩy quản lý nước thông minh” trong khuôn khổ sự kiện Vietwater vừa diễn ra tại TPHCM đầu tháng 11. ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam tham gia chia sẻ tại diễn đàn này cùng một số chuyên gia hàng đầu về ngành nước trong khu vực.

Cuộc tọa đàm quy tụ các lãnh đạo từ các hiệp hội nước khắp các quốc gia ASEAN để thảo luận về các chiến lược hợp tác nhằm tăng cường an ninh nước và giải quyết tình trạng thiếu nước ở Đông Nam Á. Sự kiện là nền tảng để chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và những kinh nghiệm quý báu, giải quyết các thách thức khu vực và những vấn đề trọng yếu như hạ tầng đã cũ kỹ và thiếu hụt chính sách.

Các diễn giả tham dự tại Hội thảo “Chiến lược hợp tác nhằm thúc đẩy quản lý nước thông minh”

Nhấn mạnh vào các giải pháp khả thi phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), buổi tọa đàm cung cấp các hiểu biết và khuyến nghị để trình lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm cải tiến và phát triển bền vững hơn. Từ đó hướng đến tăng cường quản lý và khả năng chống chịu của khu vực trước nhu cầu nước ngày càng tăng và điều kiện môi trường biến đổi. Sự kiện được điều phối bởi ông Abdul Hadi Ali, Cựu Giám đốc Điều hành của Pengurusan Aset Air Berhad Malaysia (PAAB) – Tổng Thư ký Hiệp hội Nước Malaysia.

Chia sẻ tại tọa đàm, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho biết, Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đây cũng là vấn đề luôn được Quốc hội quan tâm trong mỗi kỳ họp.

“Cách đây 30 năm, ngành nước tại  Việt Nam rất nghèo nàn, thậm người dân không đủ nước sạch để sử dụng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của một số quốc gia thông qua hỗ trợ song phương và đa phương và sự tham gia của nhiều tổ chức doanh nghiệp, tình trạng này cải thiện rất đáng kể.  Hiện tại, 95% người dân khu vực đô thị đã được tiếp cận với nước máy, 70 – 80% người dân khu vực nông thôn đã tiếp cận với nước sạch, tuy chưa đạt chuẩn như nước ở đô thị nhưng đã tốt hơn rất nhiều đối với khu vực nông thôn” – ĐB Nguyễn Quang Huân nhìn nhận.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Cũng theo ông Huân, nước dịch vụ và nước máy vẫn là lĩnh vực đang đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của hóa chất, nước thải từ khu công nghiệp, nhà máy. Đây là thách thức lớn và phải tìm ra công nghệ mới để xử lý, vì vậy các nước trong khu vực cần hợp tác cùng nhau, tìm kiếm đối tác quốc tế áp dụng công nghệ, kết hợp với AI, tìm ra những biện pháp khác nhau để giảm thiểu ô nhiễm nước. Ông Huân nhấn mạnh giải pháp căn cơ nhất vẫn là giải quyết về vệ sinh nguồn nước, đồng thời kỳ vọng vào sự hợp tác mạnh mẽ hơn từ khu vực tư nhân cũng như các doanh nghiệp nước ngoài về ngành nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Malaysia, câu chuyện cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Cho đến năm 2008, quốc gia này đã thành lập Ủy ban Nước, thông qua đạo luật mới, thành lập công ty quản lý tài sản nước để tài trợ dự án nước. Từ 2010, Malaysia đã hoàn thiện và triển khai toàn bộ quy trình, tạo nên một bước đi mới trong cải thiện an ninh nguồn nước cho người dân.

Ông Lim Minh, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Cung cấp Nước Campuchia cho biết, quốc gia này có 3 – 4 bộ liên ngành cùng tham gia vào lĩnh vực nước. Các bộ khác cùng nhau chia sẻ thách thức trong ngành nước, trao đổi và điều phối cùng nhau để giải quyết các vấn đề chung ngành nước.

“Trong 5 năm qua đã chứng kiến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Campuchia là quốc gia có nguồn nước dồi dào. Vấn đề là làm như thế nào để trữ được nước trong mùa mưa, quản lý vấn đề lũ lụt, điều phối nước trong mùa khô… Đây là những điều mà chúng tôi tập trung bàn thảo và tìm phương án xử lý” – ông Lim Minh nói.

Nói thêm về cơ chế lập pháp cho vấn đề thúc đẩy hợp tác trong quản lý nguồn nước, ông Nguyễn Quang Huân cho biết, Quốc hội đang họp và thảo luận về Luật hợp tác công tư, Luật Đầu tư công và một số luật khác liên quan. Một số bộ luật cần được điều chỉnh để đạt được mục tiêu. Luật này có thể xung đột với một số luật khác và cần xem xét điều chỉnh để luật có thể đồng hành, không mâu thuẫn với nhau, từ đó đảm bảo các đối tác tham gia không có điểm nghẽn nào.

“Lý do khiến chính phủ Việt Nam quan tâm đến hợp tác công tư do vài năm qua, sự tham gia của khối tư nhân không cao lắm. Vấn đề về nước đã đủ cho người dân sử dụng để đáp ứng nhu cầu, nhưng vấn đề về xử lý nước thải vẫn là một thách thức, cần nhiều cơ chế. Ta đang có sự hỗ trợ của khối tư nhân không chỉ về nguồn vốn mà về công nghệ, sự quản lý. Hi vọng việc điều chỉnh luật lần này sẽ thu hút được sự tham gia và sẽ thay đổi bối cảnh Việt Nam thời gian tới” – ông Huân nhấn mạnh.

Các diễn giả là chuyên gia hàng đầu về ngành nước trong khu vực Đông Nam Á tại Hội thảo

Các đại diện Halcom Việt Nam tham dự sự kiện Vietwater 2024

Sự kiện Vietwater 2024 là một trong những triển lãm quy mô hàng đầu trong ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam. Sự kiện do Informa Markets tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, thu hút hơn 450 doanh nghiệp từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và Italia. Với hơn 10.000 m² diện tích trưng bày, Vietwater mang đến cơ hội kết nối cho hơn 10.000 khách tham quan chuyên ngành. Nội dung nổi bật tại triển lãm bao gồm trưng bày các công nghệ tiên tiến về quản lý nước, xử lý nước thải, và các giải pháp phát triển bền vững như tái chế nước và kinh tế tuần hoàn. Chuỗi hội thảo quốc tế đã thảo luận về các chiến lược như quản lý nước thông minh và xử lý chất thải rắn theo hướng phát triển xanh.