Con số hơn 77.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 liệu có đáng lo ngại? Đây là một chỉ dấu quan trọng, giúp chúng ta đưa ra những giải pháp kịp thời để xoay chuyển tình thế?
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, cho rằng trong khi nhiều doanh nghiệp cảm thấy “bi quan” với nền kinh tế thì lại có các số liệu về một chiều hướng khác khả quan hơn.
– Những số liệu thống kê có ý nghĩa rất quan trọng trong việc dự báo cũng như điều chỉnh chính sách tác động đến nền kinh tế, thưa ông?
Con số của Tổng cục Thống kê đưa ra, hơn 77.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 (tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, gần tương đương với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, khoảng 78.900). Đây là những thống kê vô cùng quan trọng.
Như vậy, chúng ta phải xem ảnh hưởng của nền kinh tế bởi những doanh nghiệp rút lui là bao nhiêu? Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói nhìn vào số doanh nghiệp khó khăn này là nền kinh tế sẽ đi xuống. Bởi, có doanh nghiệp khó khăn thì phải rút lui khỏi thị trường. Nhưng doanh nghiệp khác lại tìm kiếm được cơ hội mới.
Ảnh hưởng thì có, nhưng có quyết định đến nền kinh tế hay không thì không thể đánh giá được, vì còn phải xét theo ngành nghề. Ví dụ, chỉ cần một vài doanh nghiệp lớn phát triển cũng có thể bằng hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ rút lui…
– Thống kê này có trái ngược với số liệu của một số tổ chức quốc tế uy tín dự báo tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Các tổ chức tín dụng tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao. Đây là những tổ chức tài chính quốc tế có uy tín trên thế giới, họ không đưa ra nhận định lạc quan để “động viên” chúng ta, họ đã đưa ra là có cơ sở.
Đơn cử, khi các tổ chức này đánh giá nền kinh tế Trung Quốc phục hồi thì sẽ “kéo” theo nền kinh tế thế giới, đặc biệt nền kinh tế châu Á phát triển. Việt Nam là nước gần Trung Quốc, khi nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc thì chúng ta có thị trường. Đây là cơ sở đế tin tưởng nền kinh tế Việt Nam đi lên. Hay thị trường Châu Âu, Mỹ có thể bị co hẹp những chúng ta lại có cơ hội mở rộng các thị trường khác như Ấn Độ…
Còn đánh giá về từng lĩnh vực doanh nghiệp có khó khăn là một thực tế, như các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực liên quan. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã phải bán dần tài sản để duy trì công ty. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp phục hồi, bắt nhịp sản xuất trở lại sau thời gian rơi xuống “vực sâu” gian khó do Covid-19 như lương thực thực phẩm, gỗ, dệt may…
– Việc cảm nhận hay đánh giá cũng có thể bị thiên kiến nếu thiếu thông tin hay bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông, thưa ông?
Khi thông tin “bùng nổ” sẽ xuất hiện nhiều luồng thông tin đa chiều, nên dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi “nghi vấn”. Nhưng khi đánh giá về các con số hay dữ liệu thì phải dựa vào cơ sở khoa học để tính toán.
Đơn cử, dữ liệu cơ sở về tăng trưởng GDP của các ngành do Tổng Cục thống kê đưa ra thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm về con số đó, kể cả dự báo. Chúng ta có Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác cùng giám sát con số đó. Chính xác tuyệt đối thì tôi không khẳng định, nhưng độ thông tin ngày càng chính xác cao vì chúng ta đã kết nối toàn cầu.
– Mỗi doanh nghiệp cần trang bị khả năng phân tích, sử dụng số liệu thống kê của các tổ chức, thưa ông?
Vấn đề ai đưa ra số liệu? Khi đưa ra số liệu chúng ta phải biết do cơ quan nào cung cấp, phương pháp lấy số liệu như thế nào? phân tích dữ liệu ra sao? Có những cách thức thu thập số liệu vượt qua tầm hiểu của mình thì phải đi thuê các chuyên gia đánh giá. Khi nói đến dữ liệu khoa học thì phải tư duy theo cách của nhà khoa học và phân tích khoa học thì mới có thể kết luận số liệu đó có đáng tin cậy hay không.
Nếu nói một ngành nghề hay một doanh nghiệp khó khăn thì rất dễ. Còn đánh giá xã hội có khó khăn hay không thì phải nhìn vào sức mua, sức bán và “dòng chảy” của kinh tế ngoài xã hội như thế nào…
– Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Nguyễn Việt
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp