Tối 13/06/2022 vừa qua tại Nhà Quốc Hội số 1, đường Độc Lập, Hà Nội, Chủ tịch Quốc Hội đã gặp mặt các Đại biểu Quốc Hội là các nhà khoa học. Cùng tham dự có Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban KH, CN&MT của QH, Chủ tịch HĐQT CTCP Halcom, được mời tham dự sự kiện.

Tham dự cuộc gặp mặt có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và các Phó chủ tịch Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Đảng đã định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy, phải tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại.

Chủ tịch HĐQT CTCP Halcom Nguyễn Quang Huân (đứng giữa, hàng hai từ trên xuống) trong hàng ngũ các đại biểu Quốc hội khóa XV là nhà khoa học

Tại kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội đang thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn cá nhân các nhà khoa học cần tiếp tục phát huy tối đa khả năng của mình để cống hiến vào sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà: “Các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội cần quan tâm, đóng góp ý tưởng, sáng kiến của mình với Quốc hội, Chính phủ nhiều hơn nữa để xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong định hướng lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đã được thông qua vào đầu nhiệm kỳ này có rất nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng liên quan đến khoa học và công nghệ như Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát… Đây là những nhiệm vụ lập pháp có tính chuyên môn sâu, phải được soạn thảo và ban hành trên cơ sở những lập luận khoa học, tri thức chuyên ngành để phát huy tối đa tiềm lực của nền khoa học và công nghệ nước nhà, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.”

Nguồn: Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam