VOV Giao thông: Nhà máy chậm tiến độ, Hà Nội phập phồng khủng hoảng rác đến bao giờ?

Sau mỗi lần rác thải bị ùn ứ tại khu vực nội thành, chính quyền lại phải chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với các quận huyện giải quyết dứt điểm tình trạng này, song tình trạng ùn ứ rác vẫn thường xuyên xảy ra. Để làm rõ hơn về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV Giao thông trong chương trình “Diễn biến giao thông” ngày 25/06/2022.
Hà Nội phập phồng khủng hoảng rác đến bao giờ?

PV: 17 lần ùn ứ rác thải tại Hà Nội từ năm 2015 đến nay là một con số cực kỳ đáng quan tâm. Trước khi đến với những câu hỏi về mối liên hệ giữa tiến độ của những nhà máy xử lý rác thải với tình trạng ùn ứ, thì theo ông Nguyễn Quang Huân, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói của người dân, tình trạng ùn ứ rác lặp đi lặp lại như vậy thể hiện điều gì?

Ông Nguyễn Quang Huân: Phải nói rằng, đây là vấn đề rất đau đầu không chỉ ở Hà Nội mà còn ở khắp các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn. Và đây không phải vấn đề mới, cũng không phải cái mà ta chưa chuẩn bị. Bởi vì ngay từ 2014, Trung ương đã có Nghị quyết 24 của khóa XI, đó một nghị quyết riêng về biến đổi khí hậu và vệ sinh môi trường, đề xuất rất nhiều các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu về rác thải. Ngay cả Nghị quyết 16, rồi Nghị quyết 32 của Quốc hội khóa XV đều đưa ra những chỉ tiêu rất cụ thể về rác thải. Nhưng các địa phương hầu như không căn cứ Nghị quyết Quốc hội để đưa ra Nghị quyết của địa phương mình, thành ra câu chuyện về rác thải cứ lặp đi lặp lại. Đặc biệt, Hà Nội mùa nóng nực, khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nắng luôn phiên, rác không được xử lý, thì mỗi lần rác ngấm nước mưa bốc mùi khi trời nắng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Nước rỉ rác gây ô nhiễm đất và nguồn nước, còn khí mê tan gây ô nhiễm không khí… Ngoài việc gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân, tình trạng này còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát thải ròng 2050 của chúng ta. Tình trạng này không nên để nói đi nói lại nữa mà cần phải xử lý ngay, còn nếu không, sẽ là một vấn nạn rất đau đầu cho toàn bộ hệ thống.

PV: Trong những đợt nóng đỉnh điểm của Hà Nội những ngày này, tại các khu dân cư, người dân đang phải chung sống với rác, và chúng ta đang đối mặt với nhiều loại dịch bệnh theo mùa. Xin được hỏi ông Hoàng Dương Tùng, ngày 15/11/2021, chúng ta đã nói về hồ chứa nước rác Sóc Sơn gặp sự cố tương tự như Nam Sơn lần này. Từ những lý giải của Sở TNMT Hà Nội lần trước, ông Hoàng Dương Tùng có bất ngờ với sự cố lần này không?

Ông Hoàng Dương Tùng: Tôi không bất ngờ lắm. Lần này đã là lần thứ 17 rồi. Mỗi lần chính quyền hứa như vậy thì người dân thủ đô đều hy vọng lần đó là lần cuối cùng. Tuy nhiên, tình trạng vẫn tái diễn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cứ mỗi lần như hế, người dân lại thấy rằng mỗi lời hứa của chính quyền chỉ nhằm giải quyết những vấn đề hôm nay, ngày mai, chứ không phải giải pháp dài hạn, không có các kế hoạch dự phòng trước. Liệu có cơ chế quản lý nào tốt, đề phòng được những trường hợp tương tự có thể xảy ra để rác ở thủ đô không còn tồn đọng như vậy?

PV: Người dân lần này đặt câu hỏi lớn hơn nữa, vì nhiều lần ảnh hưởng bởi dịch bệnh và yếu tố bất khả kháng khác, cơ quan chức năng Hà Nội có nói đến cuối năm 2021 đầu năm 2022 sẽ vận hành được các nhà máy rác, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có dự án nào đi vào hoạt động như cam kết. Ông Nguyễn Quang Huân nghĩ sao về mối liên quan giữa tình trạng ùn ứ rác lặp đi lặp lại dày đặc và việc để những dự án xử lý rác chậm tiến độ?

Ông Nguyễn Quang Huân: Theo tôi, biện pháp giải quyết căn cơ là phải có kế hoạch, chứ không phải người dân cứ bức xúc ở đâu thì chúng ta xử lý ở đấy. Hiện các nhà máy rác đang được xây dựng dưới áp lực từ người dân và xã hội. Đồng thời, các công tác quản lý đô thị như rác thải, nước thải, cấp nước của chính quyền cần có kế hoạch dài hạn. Trong Luật Quy hoạch cũng nói, quy hoạch 10 năm với tầm nhìn thêm 15-20 năm, tức là chúng ta phải có tầm nhìn xa. Chứ không thể để cuối năm xử lý rác thì đầu năm mới tiến hành, và khi chúng ta không có kế hoạch đón đầu thì sẽ có nhiều bất trắc xảy ra, ví dụ như dịch bệnh, thủ tục, công nghệ… Với các nhà máy xây dựng từ trước năm 2020 theo công nghệ quá cũ của châu Âu, khi đốt rác chưa chắc đã đảm bảo tuân thủ quy chuẩn phát thải của Luật BVMT mới năm 2020, thì đây có thể là yếu tố vi phạm pháp luật, cũng chính là lý do khiến nhà máy rác phải ngừng hoạt động hoặc không được đi vào vận hành, lượng rác thải không được xử lý như dự kiến.

PV: Như vậy, ngay cả khi chúng ta vận hành đúng tiến độ đi nữa, thì vẫn có những sự lệch pha giữa yêu cầu của thực tiễn và công nghệ chúng ta áp dụng cho những nhà máy này. TS Hoàng Dương Tùng nghĩ sao về tiến độ của các nhà máy xử lý rác của chúng ta lâu nay? Chúng ta cũng có những chỉ đạo, có những nỗ lực nhưng tại sao vẫn cứ ì ạch và khất lần mãi như vậy?

Ông Hoàng Dương Tùng: Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho một số tiến độ bị đẩy lùi: do dịch bệnh, không có chuyên gia, không có công nhân. Thứ hai, do một số trình tự thủ tục mới theo Luật BVMT 2020. Thứ ba, chúng ta chưa có những quy trình giám sát chặt chẽ để quy trách nhiệm rõ ràng. Do đó, chúng ta cần xem vướng mắc cụ thể chỗ nào, từ đó chỉnh sửa luật hoặc hoàn thiện quy định kỹ thuật để giám sát.

PV: Đáng nhẽ các đô thị có thể đưa ra cảnh báo sớm để cơ quan chuyên môn và người dân có sự chuẩn bị về những tình huống như dịch bệnh, bể chứa nước rác quá tải… Ông Nguyễn Quang Huân nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quang Huân: Cấp thẩm quyền có tầm nhìn xa, nhưng công tác chuẩn bị của các chính quyền trực tiếp ở đô thị vẫn còn bất cập, đặc biệt khi lượng rác thải đô thị càng tăng nhưng trình độ quản lý không phát triển tương đồng. Tỉnh và thành phố không biết lựa chọn công nghệ nào phù hợp, chính sách hướng dẫn của bộ ban ngành về cơ chế tháo gỡ còn bất cập như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch… Do đó, cần có hệ thống quản lý thông suốt từ trên xuống dưới cho tất cả tỉnh thành. Thứ hai, các địa phương còn thiếu chủ động, nước đến chân mới nhảy, nên lượng rác càng ngày càng ùn ứ. Các biện pháp như vậy cần có chính sách tổng thể và các địa phương cần chủ động, không nên đợi đến khi có hướng dẫn mới làm. Cấp ủy phải vào cuộc để tìm ra lý do chậm tiến độ cụ thể là do đâu và chậm bao lâu.

Anh Dũng (thính giả): Với cương vị là một nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải, chúng tôi rất mong muốn đầu tư những công trình xử lý rác ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh. Một số ý kiến hiện nay cho rằng rác thải là nguồn tài nguyên, là tiền, là vàng, khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc nhiều hơn, xem làm thế nào để đặt vấn đề kinh tế song hành cùng vấn đề xử lý rác thải, đắn đo hơn trong quá trình giúp doanh nghiệp tiếp cận các chính sách, dự án xử lý rác thải.

Tôi cũng có một số đề xuất để hạn chế tình trạng nhà máy rác chậm tiến độ. Đầu tiên, chúng ta cần tạo nên các hành lang pháp lý và hành lang hỗ trợ kinh tế tốt nhất cho các nhà đầu tư như: bố trí đất, nước, có những chế độ ủng hộ, ưu đãi tín dụng, quyền, phúc lợi cho nhân viên làm việc trong nhà máy rác và các nhà đầu tư…

PV: Cám ơn ý kiến chia sẻ của anh Dũng. Không biết TS Hoàng Dương Tùng nghĩ sao về chia sẻ của anh Dũng vừa rồi? Về những lý do khiến những nhà đầu tư gặp khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này và họ còn e dè những rủi ro nữa?

Ông Hoàng Dương Tùng: Hiện nay, chúng tôi cũng thấy địa phương còn gặp lúng túng trong việc quyết định: Nhiều địa phương có tiền, có chính sách nhưng không chọn được địa điểm, ví dụ như nhiều người dân không đồng ý đặt nhà máy đốt rác ở gần nơi mình sống. Nguyên nhân sâu xa là do một số nhà đầu tư chưa làm hết trách nhiệm của mình, tuy cam kết thực hiện theo quy chuẩn nhưng khi vận hành thực tế vẫn gây ô nhiễm. Nhiều lò đốt rác hứa một đằng, làm một nẻo. Thứ hai, chúng ta cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng cho các công nghệ xử lý rác tân tiến trên thế giới, ví dụ như quy chuẩn phát thải, quy chuẩn vận hành của công nghệ đốt rác hỗn hợp với độ ẩm cao. Và thông qua các số liệu quan trắc, người dân có thể biết nhà máy có chấp hành nghiêm hay không? Theo tôi, công nghệ bây giờ không còn là vấn đề, nhất là trong thời đại 4.0. Vấn đề ở đây là vấn đề quy định, chính sách, có thể cả đấu thầu. Tôi cũng đồng ý với anh Huân, là chúng ta phải có giải pháp cụ thể chứ không thể nói chung chung, cần có quyết tâm chính trị cao hơn của các nhà lãnh đạo. Tiêu chí về môi trường cũng nên lấy làm tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ.

Ông Nguyễn Quang Huân: Trong Luật BVMT đã ghi rõ ưu đãi về đất đai, tín dụng, nhưng một dự án lúc nào bị nhiều luật chi phối, nên nếu nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ hoặc chính quyền địa phương không tư vấn tốt, thì khi thực hiện có thể vướng mắc một luật nào đó, khiến cho cơ quan quản lý nhà nước còn e ngại không dám tiến hành. Tôi nghĩ sau phiên giải trình của Ủy ban khoa học công nghệ của Quốc hội tháng 7 năm nay, sẽ có những đề xuất để Quốc hội có những tháo gỡ về chính sách cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi đầu tư, chúng ta cần nghĩ đến sự phát triển bền vững. Nếu chỉ chăm chăm giải quyết cái trước mắt, thì sai lầm này sẽ dẫn đến sai lầm khác. Nếu tài chính không vững, nhà máy không thể vận hành, bảo trì, một khi nhà máy đóng cửa sẽ đến tình trạng ùn ứ nếu không có bãi chứa rác dự trù.

Hơn nữa, nếu chỉ xử lý rác không thôi, thì sẽ không đủ bù đắp cho các chi phí cho nhà đầu tư. Công nghệ có thể không là vấn đề, nhưng tiếp nhận công nghệ hiện đại trên thế giới sẽ đi kèm chi phí đầu tư lớn. Nếu chi phí đầu tư lớn mà chỉ có nguồn thu duy nhất từ phí xử lý rác, thì lợi nhuận cho các nhà máy rác không đủ để bù đắp chi phí bỏ ra ban đầu. Để duy trì kinh phí, nhà đầu tư cần thu được lợi nhuận khi phát điện lên lưới, bán phân compost, sản xuất gas, và để làm được như vậy ta cần có công nghệ tốt. Các nhà đầu tư trong nước nên chủ động hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, chưa nên vội vàng áp dụng ngay một số loại công nghệ chưa được kiểm chứng mà gây nguy hại môi trường.

Các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu chính sách pháp luật để tạo cơ chế hành lang thông thoáng, các nhà đầu tư nên chủ động tìm kiếm các công nghệ tốt, cuối cùng là chính quyền đô thị phải rất quyết tâm hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước, thì mới xử lý được vấn nạn này.

Vấn đề rác của Hà Nội sắp được giải quyết căn cơ

PV: Về câu chuyện chậm tiến độ của nhà máy xử lý rác ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội – chia sẻ một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm tiến độ của các nhà máy xử lý rác thải của Thủ đô là thủ tục: thủ tục liên quan để phát điện, rồi thủ tục liên quan đến xả thải ra môi trường phải tuân theo quy định của Luật Môi trường. Ông Hoàng Dương Tùng nghĩ lý giải này của ông Hưng có thuyết phục không ạ?

Ông Hoàng Dương Tùng: Theo tôi, lý giải này cũng phần nào thuyết phục. Nhưng chúng ta có một năm để chuẩn bị thực hiện Luật BVMT 2020, và chỉ cần đợi đến khi luật có hiệu lực là có thể thực hiện ngay được. Nhưng có vẻ chúng ta cũng chưa nghiên cứu những quy định mới, và chỉ khi nào có yêu cầu thì chúng ta mới thực hiện. Thứ hai, một số thủ tục kéo dài do năng lực một số cán bộ còn hạn chế, chưa nắm rõ thế nào là đáp ứng quy chuẩn BVMT, chưa hiểu hết các vấn đề kỹ thuật và vận hành khi phê duyệt, nên không dám quyết là đúng hay sai. Đây là những điểm cần rút kinh nghiệm. Chúng tôi mong muốn có thể nâng cao năng lực xử lý rác của Hà Nội, tránh tình trạng ùn ứ. Qua 17 lần tái diễn như vậy, ngoài chuyện bãi rác quá tải, nguyên nhân còn do người dân phản đối xe rác vào bãi, do các đơn vị thu gom từ chối thu gom, do các vấn đề quản lý khác… Vì vậy, Hà Nội cần nghĩ đến giải pháp căn cơ, đặc biệt khi chúng ta đã có cơ sở pháp lý là Luật BVMT 2020. Nếu phân loại được rác tại nguồn, lượng rác thải có thể giảm 30%, giảm áp lực cho các khu xử lý rác; hay nếu muốn sản xuất phân compost thì phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng từ bây giờ; kèm theo đó là bài toán về các điểm tập kết mất vệ sinh ở Hà Nội hay nước rỉ rác từ xe rác. Chúng ta có các cơ chế khuyến khích nhưng chưa được thể chế hóa, chưa có quy định đặc thù. Nhà đầu tư cần được biết cụ thể cơ chế khuyến khích là gì. Liệu có những cơ chế giảm thuế, miễn thuế cho xe cơ giới thay cho xe rác thủ công hay không?

PV: Vậy xét riêng về thủ tục và chính sách hỗ trợ, thưa ông Nguyễn Quang Huân, chúng tôi thấy mọi hoạt động của chúng ta từ triển khai đến thủ tục đều có sự giám sát, vậy thì vai trò giám sát ở đây như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Huân: Luật BVMT đã quy định rất là rõ, nhưng cần xem xét thực tế cơ sở hạ tầng có đảm bảo để chúng ta thực hiện đúng luật hay không? Ví dụ, nhà dân có thể phân rác tại nguồn, nhưng trong quá trình vận chuyển lại thiếu các thiết bị, khiến cho rác bị trộn lẫn tại các nơi tập kết, tức là việc phân loại tại nguồn không đảm bảo. Nếu cơ sở hạ tầng thực tế không đáp ứng được thì các cơ quan giám sát cần căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng thực hiện của từng địa phương, ví dụ: Với những địa phương vùng núi, ít rác, chúng ta có thể phân loại rác tại nguồn để sản xuất phân. Còn với những đô thị lớn, nếu muốn phân loại rác tại nguồn, ta cần phải có lộ trình để thay đổi hành vi người dân và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Do đó, tôi nghĩ thực tế là chúng ta cần tìm các loại công nghệ có thể xử lý rác không cần phân loại. Các cơ quan giám sát ở các địa phương tôi thấy đều đang làm rất tốt. Nhưng nếu không có tiêu chí chung thì việc giám sát sẽ không đạt hiệu quả mong muốn.

PV: Xin cảm ơn ông! Việc chậm tiến độ của nhà máy rác, quá tải bể chứa nước rác cũng đã có tiền lệ, việc ùn ứ rác đúng ra phải có kịch bản ứng phó từ trước, tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về phương pháp khắc phục triệt để. Ngoài việc thúc đẩy tiến độ nhà máy xử lý rác, còn cần đám bảo tiêu chuẩn vận hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không chuyển đổi từ dạng ô nhiễm này sang ô nhiễm khác. Cùng với quyết tâm theo kịp tiến độ của nhà máy xử lý rác thải, người dân cũng mong muốn có nhưng giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng này.

Nguồn tin và ảnh: VOV Giao thông