Ngày 5/4/2023, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập. Đây là một trong 6 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XV, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH trong đó có ĐBQH Nguyễn Quang Huân, về việc đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, gỡ khó cho đấu thầu thuốc, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Góp ý về tổ chức đấu thầu trước, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quy định không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật.

Về chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết nhất là trong những trường hợp đặc biệt đẻ đảm bảo các tiêu chí đề ra tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn, do vậy cần quy định cụ thể về nội dung này. Đại biểu cũng thống nhất với quy định về đấu thầu dự án, nhưng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư, tránh hình thức.

Ngoài ra, quy định về tổ thẩm định giá, chuyên gia thẩm định giá có vai trò rất quan trọng, đại biểu đề xuất quy định rõ tiêu chí, quy định rõ trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những trường hợp này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Không nên quy định tổ chức đấu thầu trước

Với Điều 6 trong dự thảo Luật quy định về “bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị cần bổ sung đầy đủ nội dung thành “bảo đảm cạnh tranh minh bạch trong đấu thầu”. Khoản 1 của Điều 6 quy định: Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển. Đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là “độc lập về pháp lý” và “độc lập về tài chính” để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, rõ ràng trong văn bản pháp luật.

Đối với vấn đề cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu, Điều 8, khoản 1 điểm b có quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm đăng tải thông tin quy định tại các điểm a, h và k khoản 1 Điều 7 của Luật này. Đại biểu đề nghị cần có quy định hợp lý và thật cụ thể về thời hạn đăng tải để đảm bảo tính công bằng giữa các nhà thầu.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đảm bảo minh bạch, liêm chính và công bằng trong đấu thầu

Về đối tượng điều chỉnh, áp dụng đấu thầu, dự thảo đưa ra 2 phương án, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng nguyên tắc khuyến khích áp dụng đấu thầu. Thực tiễn doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện đấu thầu hiệu quả. Do đó các doanh nghiệp có vốn nhà nước càng phải minh bạch càng rõ khi sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, nhân dân. Vì vậy phải quy định theo hướng cố gắng vận dụng đấu thầu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Cần khuyến khích áp dụng đấu thầu tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước

Về đấu thầu trước, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định này chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện. Đại biểu cho biết, đấu thầu vướng mắc trong khu vực nhà nước chủ yếu là do tổ chức thực hiện. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị phải rõ, phải bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh, tuân thủ các quy định cam kết quốc tế.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét lại quy định áp dụng chỉ định thầu với gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho rằng quy định này khác với Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cân nhắc nghiên cứu kĩ lưỡng để quy định đúng vai của các cơ quan.

Góp ý về về đấu thầu thuốc và vật liệu y tế, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. Đại biểu cho biết trong lĩnh vực này, người đấu thầu là người không sử dụng. Tại địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị. Thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm thuốc, tương tự như vậy đối với vật tư y tế cũng như quy mô quốc gia. Trong đó có những loại thuộc người bệnh rất cần, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có dủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở đấu thầu theo rất nhiều quy trình.

Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị riêng với ngành y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét về quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng quy định đấu thầu tập trung đối với những sản phẩm như với thuốc, thiết bị, vật tư mà dùng nhiều, dùng số lượng lớn mà thực hiện đấu thầu tập trung là rất cồng kềnh. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, nếu số lượng lớn, rất lớn thì nên quy định để các cơ sở y tế, các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung vì họ sẽ chủ động hơn, sẽ không cồng kềnh, không chờ đợi, đặc biệt là không lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Nguồn: